QUYẾT ĐỊNH
V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban chấp hành
Đoàn Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khóa XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2024
BAN THƯỜNG VỤ ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM, ĐẠI HỌC HUẾ
Căn cứ Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đoàn trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khóa XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2024;
Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Đoàn Đại học Huế và sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khóa XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2024.
Điều 2: Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường khóa XVI và Liên Chi đoàn/Chi đoàn trực thuộc Đoàn trường căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
Ban chấp hành Đoàn Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khóa XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2024
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-ĐTN ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Ban Thường vụ Đoàn trường khóa XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2024)
Chương I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ ĐOÀN TRƯỜNG
Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khóa XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2024:
– Số lượng Ban chấp hành: 15 đồng chí.
– Số lượng Ban thường vụ: 05 đồng chí. Trong đó có 01 Bí thư, 02 Phó bí thư.
– Đoàn trường có 115 chi đoàn ở 07 Liên Chi đoàn khoa, gồm: Nông học, Chăn nuôi Thú y, Cơ khí và Công nghệ, Thủy sản, Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp, Lâm nghiệp, Phát triển nông thôn và 01 Chi đoàn CBGV Khối Văn phòng – Trung tâm trực thuộc .
Điều 1. Ban Chấp hành Đoàn trường
- Ban chấp hành Đoàn trường là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khóa XVI giữa hai kỳ Đại hội; chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Nhà trường và sự chỉ đạo trực tiếp của Đoàn Đại học Huế; lãnh đạo các Liên Chi đoàn/Chi đoàn trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nghị quyết của Đoàn cấp trên và Nghị quyết của Đại Hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khóa XVI.
- Ban chấp hành Đoàn trường quyết định quy chế làm việc, chương trình công tác của Ban Chấp hành; quyết định các chủ trương, biện pháp và lãnh đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, Đoàn Đại học Huế và Đoàn trường khóa XVI và Nghị quyết của Đảng bộ Nhà trường; Quyết định chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên Nhà trường hàng năm; Giữ vai trò nòng cốt chính trị trong việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của Thanh niên nhà trường.
- Ban chấp hành Đoàn trường tham mưu và đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu những vấn đề có liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhà trường. Thảo luận và phê chuẩn các báo cáo định kì hàng quý, 6 tháng và cả năm của Ban thường vụ Đoàn trường.
- Ban chấp hành Đoàn trường quyết định triệu tập và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội, Hội nghị đại biểu của Đoàn; giới thiệu nhân sự để bầu Ban Chấp hành Đoàn trường; quyết định việc cho rút tên và bầu bổ sung các chức danh do Ban Chấp hành Đoàn trường bầu ra; quyết định kỷ luật và xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đoàn.
Điều 2. Ban Thường vụ Đoàn trường
- Thay mặt Ban Chấp hành Đoàn trường lãnh đạo mọi mặt công tác của Đoàn thanh niên giữa hai kỳ Đại hội;
- Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Liên Chi đoàn/Chi đoàn tổ chức thực hiện các Kế hoạch, Quyết định, Nghị quyết của Đoàn Đại học Huế, các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, kế hoạch công tác liên quan tới công tác Đoàn và phong trào Sinh viên của Ban chấp hành Đảng bộ Nhà trường (ở mức độ không cần thiết phải đưa ra Ban chấp hành quyết định) và các Nghị quyết của Ban chấp hành Đoàn trường; Đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời về công tác chỉ đạo cơ sở.
- Quyết định triệu tập, chuẩn bị nội dung các kỳ họp và đưa ra Ban chấp hành Đoàn Trường họp thảo luận và quyết định; Định kì chuẩn bị các nội dung, báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động, phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên với Tỉnh Đoàn, Đoàn Đại học Huế và Đảng ủy nhà trường, Ban chấp hành Đoàn trường, các cơ sở trực thuộc theo quy định của Điều lệ Đoàn.
- Tham mưu, đề xuất với lãnh đạo nhà trường, phối hợp với các phòng, khoa, trung tâm, đoàn thể của Nhà trường về những vấn đề có liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhà trường.
- Quyết định về công tác tổ chức và cán bộ theo quy định phân cấp. Quyết định bố trí, đề bạt, khen thưởng, thi hành kỉ luật, thực hiện chế độ và chính sách xã hội đối với Đoàn viên theo quy định của Điều lệ Đoàn.
- Thay mặt Ban Chấp hành làm nòng cốt chính trị trong việc định hướng công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên; Giới thiệu nhân sự để BCH Đoàn trường hiệp thương cử giữ các chức danh chủ chốt; Xem xét, giới thiệu đoàn viên ưu tú học Bồi dưỡng nhận thức về Đảng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho tổ chức Đảng xem xét, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Chỉ đạo chuẩn bị dự thảo Văn kiện và Đề án nhân sự Đại hội Đoàn trường lần thứ XVI để trình Ban Chấp hành Đoàn trường.
Điều 3: Thường trực Đoàn trường (gồm Bí thư, các Phó Bí thư Đoàn trường)
- Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Chương trình công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường, chuẩn bị các vấn đề trình Ban Thường vụ xem xét quyết định các chủ trương công tác Đoàn, phong trào thanh niên và giải quyết các công việc hàng ngày của Đoàn trường, ban hành các văn bản nhằm quán triệt, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế, Đoàn Đại học Huế và Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.
- Thay mặt Ban Thường vụ Đoàn trường trong mối quan hệ công tác với Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, Đoàn Đại học Huế, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và Đoàn các trường bạn để giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và luân chuyển đối với đội ngũ cán bộ Đoàn, giải quyết những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của tuổi trẻ và chính sách đối với cán bộ Đoàn, tạo cơ chế nguồn lực cho hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên.
Chương II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ , BÍ THƯ VÀ PHÓ BÍ THƯ ĐOÀN TRƯỜNG
Điều 4: Trách nhiệm, quyền hạn của các ủy viên BCH Đoàn trường
- Chấp hành nghiêm Điều lệ Đoàn, Nghị quyết Đại hội Đoàn trường lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2024, các Nghị quyết, quyết định và chủ trương công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường.
- Tham dự đầy đủ các kỳ họp và đóng góp trí tuệ vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Đoàn trường, biểu quyết các công việc của Ban Chấp hành Đoàn trường. Quán triệt, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Đoàn trường về việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, Đoàn trong đơn vị mình và lĩnh vực được phân công. Có trách nhiệm phối hợp kết hợp với các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn trường để đóng góp tích cực, có hiệu quả vào hoạt động chung.
- Thường xuyên nắm chắc tình hình công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở đơn vị mình phụ trách; phát hiện các vấn đề mới để đề xuất, kiến nghị giải pháp với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Khi cần thiết, Ban Thường vụ phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành phụ trách chuyên đề, chuẩn bị các nội dung cụ thể cho các kỳ họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường.
- Có quyền chất vấn và được trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra, các cá nhân ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường khác. Đồng thời có trách nhiệm trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường.
- Định kỳ hàng quý, tiến hành kiểm điểm theo quy định.
Điều 5: Trách nhiệm, quyền hạn của các ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường
- Ngoài những trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên ban chấp hành Đoàn trường, Ủy viên Ban thường vụ chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ, Ban chấp hành về tổ chức chỉ đạo thực hiện những quyết định của Ban chấp hành và Ban thường vụ ở lĩnh vực, phạm vi công tác được phân công.
- Tham dự đầy đủ các hội nghị Ban Thường vụ Đoàn trường; tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến vào các nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ Đoàn trường.
- Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường được phân công phụ trách các Liên chi đoàn bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện các chương trình công tác của đơn vị phụ trách; làm tốt công tác tham mưu trong việc xây dựng nghị quyết, quyết định những chủ trương, kế hoạch của Đoàn trường, thường xuyên thông tin và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đoàn trường về hoạt động của đơn vị, lĩnh vực do cá nhân phụ trách.
- Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường được phân công phụ trách một số công việc hoặc một số chương trình công tác, có trách nhiệm giải quyết công việc được giao theo thẩm quyền.
- Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền hay ở các trường hợp cụ thể thấy cần thiết thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo và quyết định của đồng chí Bí thư, các đồng chí Phó bí thư hoặc tập thể Ban chấp hành Đoàn trường.
Điều 6: Trách nhiệm, quyền hạn của Bí thư Đoàn trường
- Chịu trách nhiệm trước Đoàn Đại học Huế, Đảng ủy nhà trường, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành về công tác Đoàn và phong trào thanh niên Nhà trường.
- Chủ trì công việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường; chủ trì và kết luận các phiên họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường.
- Phụ trách chung và trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ, đảm bảo đoàn kết, nhất trí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và trong thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhà trường.
- Chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung tổng kết các mặt công tác lớn của hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên nhà trường;
- Ký các nghị quyết, quyết định quan trọng của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường.
Điều 7: Trách nhiệm, quyền hạn của Phó Bí thư Đoàn trường
- Giúp đồng chí Bí thư điều hành, giải quyết công việc hàng ngày của Đoàn trường.
- Phối hợp điều hành hoạt động với đồng chí Phó Bí thư, giữ mối quan hệ công tác với các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường và các Liên chi đoàn.
- Chủ trì, chuẩn bị các chương trình, kế hoạch, đề án công việc được phân công, trực tiếp tổ chức chỉ đạo các nội dung, đề xuất các chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và đồng chí Bí thư về các lĩnh vực được phân công.
- Kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường về lĩnh vực công tác được phân công.
- Thường xuyên báo cáo kết quả công tác với Bí thư Đoàn trường, trao đổi với thường trực Đoàn trường và giữ mối quan hệ công tác với các Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn trường, các Liên chi đoàn.
- Giải quyết công việc theo sự ủy quyền của đồng chí Bí thư.
Chương III. CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Điều 8: Nguyên tắc, lề lối làm việc và mối quan hệ của Đoàn trường với các đơn vị, tổ chức.
- Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
- Lề lối làm việc:
Mỗi đồng chí uỷ viên được Ban chấp hành phân công phụ trách từng lĩnh vực hoạt động cụ thể. Trong phạm vi phụ trách của mình, chủ động tổ chức triển khai các hoạt động đạt hiệu quả tốt và chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành về lĩnh vực mình phụ trách. Có trách nhiệm báo cáo (bằng văn bản) về kết quả các hoạt động, công tác do mình phụ trách theo đúng thời gian quy định.
Mọi thành viên trong Ban chấp hành có trách nhiệm giúp đỡ nhau, trao đổi, góp ý kịp thời, đúng lúc, đúng chỗ, khiêm tốn, học hỏi trên tinh thần chân thành xây dựng, mỗi thành viên trong Ban chấp hành luôn có ý thức xây dựng tập thể Ban chấp hành đoàn kết, nhất trí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Theo dõi, giúp đỡ, chỉ đạo triển khai các hoạt động của Đoàn trường đến các chi đoàn.
- Mối quan hệ công tác của Đoàn trường với các đơn vị, tổ chức khác:
– Ban chấp hành Đoàn trường chủ động phối hợp với các phòng ban chức năng, các Khoa, Trung tâm, Tổ bộ môn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn viên thanh niên sinh hoạt và tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ trong học tập chuyên môn và trong công tác Đoàn.
– Chủ động phối hợp với Hội Sinh viên và các tổ chức trong Nhà trường tổ chức các hoạt động cho Đoàn viên thanh niên gắn với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, phát hiện, bồi dưỡng những Đoàn viên thanh niên ưu tú giới thiệu cho tổ chức Đảng.
– Chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ sở Đoàn bạn trong việc tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh cho Đoàn viên thanh niên.
Điều 9: Chế độ hội nghị
- Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn trường họp thường kỳ 02 tháng một lần, khi cần thiết triệu tập họp bất thường.
- Hội nghị Ban Thường vụ Đoàn trường họp thường kỳ 01 tháng một lần, khi cần triệu tập họp bất thường.
- Các đồng chí ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường không là ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường được dự một số cuộc họp Ban Chấp hành Đoàn trường khi cần thiết.
- Căn cứ chương trình công tác, Ban Thường vụ Đoàn trường, Bí thư Đoàn trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị, phân công chuẩn bị nội dung. Nội dung hội nghị thuộc lĩnh vực nào, ủy viên Ban Thường vụ phụ trách lĩnh vực đó chịu trách nhiệm chuẩn bị để báo cáo và dự kiến chương trình, kế hoạch để triển khai.
Điều 10: Chế độ thông tin, báo cáo
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo với Đoàn Đại học Huế, Đảng ủy nhà trường và thông báo tình hình bằng văn bản các hoạt động thường kỳ tới các cấp bộ Đoàn trực thuộc, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành theo quy định.
Các đồng chí trong Ban chấp hành có nhiệm vụ theo dõi cập nhật thông tin trên lịch công tác của Nhà trường, lịch công tác ở văn phòng Đoàn trường, mail cá nhân và qua website của Đoàn Trường.
Điều 11: Chế độ phát ngôn và giữ bí mật
Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn trường không thông tin ra ngoài những nội dung đang bàn tại các hội nghị của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Khi có nghị quyết, phải nói và làm theo nghị quyết, phải thực hiện đúng quy định về bảo vệ tài liệu theo quy định bảo mật của Đảng và Nhà nước.
Điều 12: Chế độ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình
Hàng năm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo quy định.
Điều 13: Công tác tài chính của Đoàn trường
- Kinh phí hoạt động của Đoàn trường bao gồm:
– Sự hỗ trợ kinh phí của nhà trường;
– Tỷ lệ % được trích lại từ Đoàn phí;
– Thu từ các hoạt động của Đoàn;
– Tài trợ của các công ty, doanh nghiệp hợp tác và các đơn vị khác.
- Việc thu, chi tài chính của Đoàn phải được thực hiện theo kế hoạch quy định của Đoàn trường cũng như của nhà trường.
- Đồng chí Bí thư Đoàn trường là người trực tiếp ký duyệt các chứng từ thu, chi các hoạt động của Đoàn trường, xin ý kiến Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường.
Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14: Thực hiện quy chế
- Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường có trách nhiệm thi hành quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Đoàn trường.
Thực hiện tốt qui chế này được coi là một tiêu chuẩn để xét thi đua, khen thưởng hàng năm của các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành. Đối với Ủy viên Ban chấp hành là cán bộ viên chức nhà trường, hàng năm Đoàn trường sẽ thực hiện bình xét gửi về đơn vị để xét thi đua hàng năm theo qui định của nhà trường. Các chi đoàn, cá nhân nào vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định.
- Thường trực Đoàn trường theo dõi hưỡng dẫn và thực hiện Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đoàn trường. Bổ sung sửa đổi quy chế nếu thấy cần thiết.
- Giao cho Ủy ban kiểm tra Đoàn trường giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường theo dõi việc thực hiện quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đoàn trường và hàng năm báo cáo việc thực hiện quy chế này.
- Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 6 năm 2022.
Quy chế này đã được thông qua Ban chấp hành, cùng thống nhất thực hiện nhằm xây dựng tập thể Ban chấp hành đoàn kết, nhất trí cùng toàn thể đoàn viên thanh niên đóng góp công sức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, xây dựng Đoàn thanh niên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế ngày càng vững mạnh.
BCH ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM, ĐẠI HỌC HUẾ