TTH.VN – Gần 50 bức tranh bích họa được đội ngũ giảng viên, tình nguyện Đại học Huế vẽ, góp phần biến những bức tường úa màu rêu phong của thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền thành những bức tranh đa sắc màu.
Những bức tranh bích họa đang dần định hình
Dưới các nắng oi ả của ngày hè, những giọt mồ hôi chảy tràn trên gương mặt của những tình nguyện viên. Phong cảnh đầm phá và các hoạt động ngư nghiệp được họ chuyển tải sinh động thông qua những bức tranh. Những bức tranh cũ cũng được bổ sung thêm màu sắc khiến khu du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh trở nên đa sắc.
Trước đó, thông qua Trung Tâm nghiên cứu và Phát triển cộng đồng, Trường đại học Nông lâm Huế, Hội nghề cá tỉnh, nhóm tình nguyện viên này đã đầu tư 35 bức tranh tường tại khu vực thôn Ngư Mỹ Thạnh nhằm hiện thực hóa việc áp dụng nghệ thuật công cộng, đại chúng để bảo tồn tài nguyên dựa vào cộng đồng.
Ông Dương Ngọc Phước, giảng viên Trường đại học Nông lâm Huế, người đưa ra ý tưởng hình thành làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh chia sẻ, các bức tranh tập trung vào nội dung nhằm tuyên truyền bảo tồn tài nguyên thủy sản, phong cảnh đầm phá và các hoạt động ngư nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, có gần 50 bức tranh được vẽ tại thôn Ngư Mỹ Thạnh.
“Các bức tranh bích họa đã giúp người dân và khách du lịch nhận thức được giá trị và sự đa dạng của các tài nguyên vùng đầm phá, nét đẹp của văn hóa truyền thống gắn với nghề cá trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Cùng với hoạt động quảng bá tour du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, những bức tranh cũng góp phần thu hút một lượng khách du lịch rất lớn đến với Ngư Mỹ Thạnh”, ông Phan Văn Ty, Chủ tịch Chi hội nghề cá Ngư Mỹ Thạnh bộc bạch.
Thừa Thiên Huế Online xin gửi đến bạn đọc một số hình ảnh tại thôn Ngư Mỹ Thạnh ngày 11/7:
Những bức tranh về đời sống ngư dân được chuyển tải sinh động
Hai tình nguyện viên người Serbia cũng tham gia trong đợt vẽ tranh
Tình nguyện viên nhí người Serbia phác thảo ý tưởng
Chăm chú trong từng nét vẽ
Hơn 40 tình nguyện viên tham gia hoạt động ý nghĩa này
Hào hứng chưa…
Tin, ảnh: Khả Ngân